Chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất; hưởng thừa kế nhà, đất là các quan hệ dân sự phát sinh hàng ngày trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, không phải ai và lúc nào muốn chuyển nhượng, tặng cho; hay hưởng quyền thừa kế nhà, đất đều được pháp luật cho phép…

Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định 4 trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất.

4 trường hợp cấm chuyển nhượng, tặng cho

Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định 4 trường hợp không được (cấm) nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất (QSDĐ):

Trường hợp 1: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho QSDĐ.

Ví dụ: Hộ gia đình, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng đất do được Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước không được chuyển nhượng, tặng cho QSDĐ trong vòng 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 40 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Trường hợp 2: Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng QSDĐ trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích SDĐ theo quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp 3: Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ đất trồng lúa. Việc xác định hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp căn cứ theo Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT

Trường hợp 4: Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.

Tổ chức, cá nhân nào cố tình thực hiện chuyển nhượng, tặng cho đối với các trường hợp nêu trên thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 19 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019.

Trong một số trường hợp, dù có quan hệ hôn nhân, huyết thống với người để lại di sản nhưng cá nhân vẫn không được hưởng di sản thừa kế bao gồm nhà, đất. Ảnh: VOV

5 trường hợp không được thừa kế nhà, đất

Trong một số trường hợp, dù có quan hệ hôn nhân, huyết thống với người để lại di sản nhưng cá nhân vẫn không được hưởng di sản thừa kế bao gồm nhà, đất.

Theo Điều 612 Bộ Luật dân sự 2015, di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Bên cạnh đó, theo Điều 105 Bộ Luật dân sự 2015 thì, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Như vậy, nhà, đất cũng được xem là di sản của người đã mất.

Theo Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015, những người sau đây không được quyền hưởng di sản, cũng như quyền thừa kế nhà đất,

Trường hợp 1: Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.

Trường hợp 2: Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.

Trường hợp 3: Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.

Trường hợp 4: Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Tuy nhiên, những người này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Trường hợp 5: Con đã thành niên có khả năng lao động và toàn bộ di sản được thừa kế theo di chúc hợp pháp nhưng không cho người con đó hưởng thừa kế

Theo quy định khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động, vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó.

Con trưởng thành mà không có tên trong di chúc vẫn dược hưởng di sản nếu người này không có khả năng lao động. Ảnh: Internet

THEO TIEUDUNG.VN