Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang hoàn thành quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) cấp huyện giai đoạn 2021-2030 để trình tỉnh phê duyệt. Trong quy hoạch mới, nhiều địa phương dành nhiều quỹ đất để phát triển đất ở cho khu vực đô thị và nông thôn.

Một khu đô thị của H.Nhơn Trạch đã đầu tư hạ tầng hơn 10 năm trước và bán qua tay nhiều người nhưng chưa có ai đến ở. Ảnh: K.MINH

Theo báo cáo của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, trong 10 năm tới, diện tích đất ở trên địa bàn có thể tăng lên hàng ngàn ha. Đất ở đa số được quy hoạch ở những khu vực gần hoặc sát những nơi sẽ mở ra các tuyến đường giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cảng, sông…

Quy hoạch để đón đầu

Dựa trên kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của 5-10 năm tới và thông tin từ đơn vị tư vấn, nhiều địa phương đã quy hoạch nhiều diện tích đất ở để đón đầu các dự án hạ tầng giao thông lớn. Trong đó, có những địa phương diện tích đất ở sẽ tăng từ 800-1.700ha. Với những khu vực có công nghiệp phát triển, đô thị hóa nhanh, dân số đông thì tăng đất ở là nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, những nơi chủ yếu phát triển nông nghiệp, dịch vụ, mật độ dân số còn thưa, quy hoạch nhiều diện tích đất ở, địa phương không có phương án thu hút được người dân các nơi về sinh sống thì có thể dẫn đến việc hình thành các khu dân cư vắng bóng người.

Trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021, Đồng Nai có gần 350 dự án khu dân cư, khu đô thị với diện tích gần 9,2 ngàn ha. Địa phương tập trung nhiều dự án khu dân cư là TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch, H.Long Thành.

Đơn cử, TP.Long Khánh dự tính đến năm 2030 sẽ tăng gần 1,2 ngàn ha đất ở, nâng tổng diện tích đất ở lên gần 2,3 ngàn ha; H.Xuân Lộc quy hoạch thêm gần 770ha đất ở, H.Vĩnh Cửu tăng thêm 900ha, TP.Biên Hòa thêm khoảng 1.740ha…

Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Phạm Việt Phương cho rằng, TP.Long Khánh có nhiều lợi thế về địa lý, giao thông để phát triển dịch vụ và các khu dân cư, khu đô thị. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã về thành phố tìm hiểu môi trường đầu tư và đánh giá rất cao điều kiện tại đây và muốn đầu tư vào những lĩnh vực trên.

“Sau đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, sẽ có nhiều người dân TP.HCM muốn về TP.Long Khánh sinh sống vì giao thông kết nối đi lại thuận tiện, chỉ mất gần 1 tiếng. Tới đây, TP.Long Khánh dự tính sẽ mời gọi doanh nghiệp đầu tư một số bệnh viện lớn, dịch vụ để thu hút người dân ở các nơi về sinh sống” – ông Phương chia sẻ.

H.Xuân Lộc quy hoạch nhiều đất ở với hy vọng những năm tới khi các dự án lớn về giao thông kết nối, công nghiệp trên địa bàn huyện, TP.Long Khánh, H.Cẩm Mỹ phát triển nhu cầu về nơi ở sẽ tăng cao. Đồng thời, các khu du lịch được đầu tư cũng kéo theo nhu cầu phát triển các dự án bất động sản đi kèm.

Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết: “Một vài năm nữa, các tuyến đường giao thông kết nối vùng, cảng hàng không quốc tế Long Thành được đầu tư xây dựng đưa vào khai thác rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái kèm các khu đô thị, dân cư. Dịp đầu năm 2021, có một số tập đoàn lớn đến huyện tìm hiểu với dự tính sẽ đầu tư vào phát triển các khu du lịch và khu dân cư”.

Từ khi các dự án: cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và Bến Lức – Long Thành khởi động thì nhiều nhà đầu tư bất động sản đã nhắm đến các dự án khu dân cư, khu công nghiệp ở nhiều khu vực như: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ…

Tránh lãng phí đất đai

Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện nhằm mục đích quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.

Theo đó, Chính phủ, tỉnh yêu cầu các địa phương lấy quy hoạch sử dụng đất làm nền, triển khai các quy hoạch khác để quá trình phát triển được đồng bộ. Đồng Nai là cửa ngõ giao thông của vùng, được nhiều nhà đầu tư chú ý đến các dự án về bất động sản. Do đó, các huyện, thành phố đều quy hoạch nhiều đất ở để thu hút phát triển các dự án khu dân cư, khu đô thị, thương mại dịch vụ. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng nếu phát triển quá nhiều đất ở không tính toán kỹ có khả năng dẫn đến lãng phí.

Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức nhận định: “Các địa phương như TP.Long Khánh và các huyện Xuân Lộc, Vĩnh Cửu quy hoạch quá nhiều đất ở cần phải rà soát lại xem có phù hợp hay không; bởi vì, các khu dân cư, khu đô thị triển khai nhiều nhưng không thu hút được người dân đến ở sẽ không đem lại hiệu quả cao về đất đai”.

Hơn 15 năm trước, H.Nhơn Trạch và H.Long Thành được nhiều tập đoàn đầu tư vào các dự án khu dân cư, khu đô thị và đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật. Các nền đất, nhà ở trong các dự án trên được mua đi, bán lại nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có người đến ở. Vì thế, đã hình thành các khu dân cư, khu đô thị vắng bóng người, gây lãng phí lớn về đất đai và địa phương cũng không phát triển được kinh tế. Tuy những khu vực này nhu cầu về đất ở lớn, nhưng đa số người dân có thu nhập thấp, không đủ khả năng để mua đất từ các dự án khu dân cư, khu đô thị nên dẫn đến nghịch lý trên.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu: “Các địa phương quy hoạch nhiều đất ở phải tính toán lại vì chỉ những nơi có công nghiệp, dịch vụ phát triển mới thu hút nhiều người dân đến sinh sống. Trong quy hoạch sử dụng đất cũng quy định rõ đô thị loại nào hoặc dân số bao nhiêu mới được tăng diện tích đất ở tương ứng. Quy hoạch không sát với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội dẫn đến không khai thác được tiềm năng của đất đai”.

Tại Đồng Nai, nhu cầu về đất, nhà ở rất lớn nhưng chủ yếu là phân khúc giá rẻ. Trong khi các dự án khu dân cư, khu đô thị giá đất bán khá cao, từ 15-60 triệu đồng/m2 tùy theo từng khu vực. Với giá trên rất ít người dân có nhu cầu thực đủ khả năng mua đất ở nên các khu dân cư, khu đô thị phần lớn được các nhà đầu tư thứ cấp từ nơi khác đến mua đi bán lại kiếm lời, không có nhu cầu ở. Do đó, các địa phương không cân nhắc, tính toán kỹ, quy hoạch quá nhiều đất ở, khu dân cư mà không thu hút được người dân đến sinh sống sẽ không mang lại lợi thế cho phát triển kinh tế.

Theo Baodongnai.com.vn