Con có được can thiệp vào việc định đoạt tài sản của cha mẹ không?
Con cái sống chung trong gia đình, có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là con cái có quyền can thiệp vào việc định đoạt tài sản riêng của cha mẹ.
Luật gia Lê Văn Nhân, Hội Luật gia tỉnh bày tỏ, chính vì hiểu không đúng vấn đề nên đôi lúc con cái cản trở việc định đoạt tài sản riêng của cha mẹ dẫn tới anh em mất đoàn kết, cha mẹ phiền lòng.
Quyền của cha mẹ
Vất vả nuôi 6 con (4 gái, 2 trai) đến tuổi trưởng thành và lo cho các con yên bề gia thất, vợ chồng ông P.V.M. và bà C.T.V. (ngụ xã Thanh Sơn, H.Định Quán) còn dành dụm được số tiền trên 1 tỷ đồng và mảnh vườn rộng trên 1ha (do ông bà đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) để lo tuổi già. Năm 2020, thấy sức khỏe không tốt, ông bà muốn bán mảnh vườn lấy tiền gửi tiết kiệm nhưng bị các con phản đối. Do đó, ông bà tìm đến trợ giúp viên Đặng Bửu Trọng, Trưởng Chi nhánh Trợ giúp pháp lý nhà nước Định Quán – Tân Phú (thuộc Sở Tư pháp) nhờ tư vấn pháp luật cho trường hợp của mình.
Trợ giúp viên Đặng Bửu Trọng giải thích, theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Bộ luật Dân sự năm 2015 thì mảnh đất đó là tài sản chung của ông bà. Do đó, ông bà có quyền định đoạt (tặng cho, chuyển nhượng, cầm cố…) mà không cần phải hỏi ý kiến của con và các con không có quyền ngăn cản, can thiệp một cách trái pháp luật việc định đoạt của ông bà.
Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: bất động sản; động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.
Một trường hợp khác là vợ chồng ông V.V.K. và bà N.T.H. (ngụ xã Phú Bình, H.Tân Phú) cũng đau đầu vì bị con ngăn cản quyền định đoạt tài sản. Trước đây, vợ chồng ông K. có tặng cho con gái là bà V.T.P. (ngụ cùng địa phương) 5 sào đất trong tổng số 1,5ha do vợ chồng ông đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà P. đã làm thủ tục đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng 5 sào đất này. Nay vợ chồng ông K. muốn làm thủ tục tặng cho số đất còn lại cho 2 người con khác mà không cho bà P. nên bà P. phản đối. Bà P. cho rằng, cha mẹ muốn cho 2 em mà không cho bà là không đúng với nghĩa vụ của cha mẹ đối với con, quyền định đoạt tài sản của hộ gia đình. Vì lẽ đó, bà P. tìm mọi cách ngăn cản khiến gia đình bất hòa.
Theo trợ giúp viên Đặng Bửu Trọng, đất do vợ chồng ông K. đứng tên nên thuộc ở hữu riêng của ông bà chứ không phải của hộ gia đình. Do đó, việc bà P. ngăn cản cha mẹ cho em đất là sai về pháp lý, trừ khi bà chứng minh được đất đó là tài sản chung của 5 người (tài sản của hộ gia đình). Một khi bà P. chứng minh được điều này thì bà mới có quyền ngăn chặn quyền định đoạt tài sản của cha mẹ, yêu cầu UBND xã nơi có đất hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì mới được khởi kiện ra tòa án. “Quyền định đoạt tài sản của vợ chồng được pháp luật bảo vệ và tôn trọng nếu tài sản đó có đầy đủ giấy tờ, cơ sở chứng minh đó là tài sản riêng của vợ và chồng, được vợ và chồng tạo lập, thừa kế, nhận tặng cho, chuyển nhượng hợp pháp từ người khác. Do đó, con cái không có quyền can thiệp vào quá trình định đoạt tài sản riêng thuộc quyền sở hữu, sử dụng của cha mẹ” – trợ giúp viên Đặng Bửu Trọng phân tích.
Trường hợp con được can thiệp vào việc định đoạt tài sản của cha mẹ
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng do vợ chồng định đoạt. Việc định đoạt đó được pháp luật tôn trọng và bảo vệ nếu tuân thủ các quy định pháp luật. Chẳng hạn như: thực hiện đúng các thủ tục về công chứng, chứng thực về hợp đồng ủy quyền, tặng cho, chuyển nhượng…
Luật gia Lê Văn Nhân cho biết, tài sản thuộc sở hữu riêng của cha mẹ, con cái chỉ có quyền can thiệp vào việc định đoạt khi cha mẹ mất năng lực, bị giới hạn về năng lực trách nhiệm dân sự hoặc cha mẹ mất mà không để lại di chúc, di chúc không hợp pháp. Hay cha mẹ còn sống, có đủ năng lực hành vi dân sự lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho một trong các con thì di chúc đó vẫn không được thực hiện hoàn toàn theo ý nguyện định đoạt tài sản của cha mẹ nếu thuộc trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo Khoản 1, Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015. “Đó là trường hợp con chưa thành niên, con thành niên mà không có khả năng lao động mới được pháp luật cho phép tự mình hoặc người giám hộ, nuôi dưỡng can thiệp vào việc định đoạt tài sản của cha mẹ nếu cha mẹ không cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật” – luật gia Lê Văn Nhân chỉ rõ.
Luật gia Lê Văn Nhân giải thích, sở dĩ pháp luật quy định như trên nhằm bảo vệ quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất đối với con chưa thành niên, thành niên nhưng không có khả năng lao động nuôi sống bản thân khi cha mẹ mất hoặc còn sống mà quên đi nghĩa vụ, trách nhiệm để lại tài sản cho con khi mình mất. Đồng thời, pháp luật quy định thêm quyền này để giải quyết việc phân chia, định đoạt tài sản luôn được công bằng giữa các con nhằm phòng tránh việc một trong các con lợi dụng việc cha mẹ bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, qua đời không để lại di chúc để chiếm đoạt, chiếm hữu tài sản của cha mẹ trái pháp luật.