Một số chuyên gia tài chính, bất động sản (BĐS) cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ làm đảo nghịch xu hướng đô thị hóa. Sau dịch, nhiều người dân sẽ ngại ở những nơi đông người và muốn giãn dân. Vấn đề này đang được Chính phủ quan tâm, khuyến khích nên BĐS vùng ven TP.HCM sẽ thu hút nhà đầu tư lẫn người mua.

Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây giúp cho dự án bất động sản khu vực TP.Long Khánh được nhiều nhà đầu tư chú ý. Ảnh: K.Minh

Những khu vực vùng ven TP.HCM sẽ được các doanh nghiệp (DN) chú ý là TP.Biên Hòa, H.Long Thành, H.Nhơn Trạch. Theo dự báo, thị trường BĐS những khu vực trên trong vài năm tới sẽ phát triển nhanh để đáp ứng nhu cầu của người mua.

* “Cú hích” từ kết nối hạ tầng

Sau khi các tỉnh, thành trở lại trạng thái “bình thường mới”, việc đi lại giữa các khu vực thuận lợi, các kênh đầu tư tiếp tục thu hút nhiều người tham gia là gửi tiền tiết kiệm, mua vàng, kinh doanh chứng khoán và BĐS. Mấy năm trở lại đây, đầu tư vào BĐS lợi nhuận cao nhất, đặc biệt là đất đai khu vực Đồng Nai. Gần 2 năm qua, BĐS bị chững lại là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người dân đi lại khó khăn. Do đó, thị trường BĐS tạm thời rơi vào cảnh “ngủ đông”, nhưng khi các tỉnh, thành nới lỏng các quy định, việc đi lại thuận lợi, giao dịch của thị trường BĐS sẽ hồi phục dần.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB BĐS Việt Nam cho biết: “Thị trường BĐS cần 2 năm để hồi phục và sau đó sẽ phát triển rất tốt, nhất là khu vực phía Đông. Sau dịch, nhiều người dân TP.HCM sẽ chọn lựa mua đất, mua nhà ở các vùng ven vì giá cả còn rẻ, lưu thông thuận lợi, thời gian tương đương với đi lại trong các khu vực nội thành”. Cũng theo ông Bảo, Chính phủ và các tỉnh, thành đang ưu tiên thúc đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông để kết nối, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, việc đi lại giữa TP.Biên Hòa, H.Long Thành, H.Nhơn Trạch về TP.HCM sẽ nhanh hơn nên người lao động có thể chọn ở những vùng ven và làm việc tại TP.HCM.

Thực tế, muốn thu hút được người dân từ TP.HCM về các khu dân cư, khu đô thị lớn của H.Nhơn Trạch, H.Long Thành, TP.Biên Hòa sinh sống đòi hỏi các dịch vụ khác đi kèm cũng phải phát triển như: y tế, giáo dục, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí…

Ông Phạm Việt Phương, Chủ tịch UBND TP.Long Khánh cho hay: “Long Khánh quy hoạch quỹ đất ở trong 10 năm tới nhiều là để phát triển khu dân cư, khu đô thị đón đầu xu thế di dân từ các nơi khác về. Hiện nay, lưu thông giữa TP.Long Khánh và TP.HCM bằng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây chỉ gần 1 tiếng đồng hồ nên nhiều người sẽ chọn đầu tư nhà vườn ở TP.Long Khánh để sinh sống”.

* Cần gỡ khó về thủ tục pháp lý

Một dự án khu dân cư, khu đô thị DN muốn triển khai nhanh cũng mất khoảng 5 năm. Trong đó, lâu nhất vẫn nằm ở khâu làm hồ sơ thủ tục và bồi thường giải phóng mặt bằng. Tại Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành khác có những dự án BĐS do vướng vào thủ tục, đất đai kéo dài gần 10 năm chưa hoàn thành. Dự án kéo dài gây khó khăn cho DN cũng như địa phương trong phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, muốn các dự án triển khai nhanh, các bộ, ngành, địa phương phải hỗ trợ giải quyết nhanh thủ tục về tính thuế đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án, xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng…

Hiện nay, nhiều dự án tại Đồng Nai vướng vào đất công rất khó triển khai, có DN phải đợi giải quyết liên quan đến đất công trong thời gian dài, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Cụ thể, trong dự án có lẫn một số diện tích đất công nhỏ theo kiểu da beo nên phải đợi tỉnh giải quyết xong những vướng mắc về đất đai mới triển khai được.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã làm việc với các sở, ngành, địa phương để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đất công trong các dự án. “Những thửa đất công nhỏ dưới diện tích quy định được tách thửa thì giao cho chủ đầu tư dự án và tính tiền đất. Những thửa đất lớn có thể tách thửa và trong dự án có một vài thửa đất công thì cho dồn lại tách thửa lớn và đưa ra đấu giá” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chỉ đạo.

Như vậy, vướng mắc về đất công trong dự án BĐS cũng như các dự án khác trên địa bàn Đồng Nai tới đây sẽ được tháo gỡ. Vấn đề còn lại nằm ở việc rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ thủ tục khác cho các dự án BĐS để DN có thể triển khai.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp chủ đầu tư dự án cố tình kéo dài để tìm DN khác chuyển nhượng lại dự án để kiếm lời chứ không có ý định thi công hoàn thành hạ tầng và đưa sản phẩm đất nền, nhà ở ra thị trường. Đơn cử là 3 địa phương gồm: Biên Hòa, Long Thành và Nhơn Trạch được quy hoạch 259 dự án khu dân cư, khu đô thị với diện tích lên đến gần 8,4 ngàn ha nhưng đến cuối tháng 10-2021, số dự án BĐS hoàn thành tính trên đầu ngón tay.

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, tỉnh đang tiến hành rà soát lại tất cả các dự án trên địa bàn tỉnh. Vì thế, tới đây những dự án kéo dài quá thời hạn không triển khai hoặc nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện sẽ bị thu hồi.

THEO BÁO ĐỒNG NAI