Theo dự kiến, đến năm 2025, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Điều này sẽ tạo ra một “bức tranh mới” đối với mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối vùng, từ đó tạo động lực cho các địa phương bứt phá phát triển.

Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là tuyến cao tốc quan trọng kết nối vùng Đông Nam bộ đã được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2015. Ảnh: P.Tùng

* Điểm nhấn năm 2025

Trong giai đoạn 2021-2025, đầu tư xây dựng các dự án giao thông theo đúng lộ trình và kết nối được Chính phủ xem như là một trong các giải pháp tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Vì thế, nhiều dự án giao thông cấp quốc gia được Chính phủ yêu cầu chuyển sang vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp để phục hồi kinh tế hiệu quả sau đại dịch Covid-19. Trong đó có những tuyến đường cao tốc, vành đai được các tỉnh, thành phía Nam hy vọng sớm hoàn thành, giúp giao thông vùng được kết nối, giảm chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, tạo động lực cho du lịch, công nghiệp, thương mại dịch vụ, bất động sản phát triển.

Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT LÊ ANH TUẤN, khu vực Đông Nam bộ hiện nay đóng góp khoảng 40% GDP cho đất nước. Đồng thời, đây cũng là khu vực đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách của cả nước, là khu vực đầu tàu, động lực phát triển kinh tế của cả nước. Vì vậy, Chính phủ đã rất quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường cao tốc kết nối vùng Đông Nam bộ.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ giao nhiệm vụ năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Các bộ, ngành, địa phương phải kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình giao thông kết nối vùng như: đường cao tốc Bắc – Nam, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương và các tuyến đường vành đai để tạo động lực cho phát triển kinh tế của địa phương”.

Trong giai đoạn tới, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là vùng Đông Nam bộ sẽ tiếp tục là khu vực đầu tàu trong phát triển kinh tế khi hàng loạt tuyến đường cao tốc, vành đai được xây dựng và kết nối.

Theo kế hoạch, cuối năm 2022, đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có chiều dài gần 100km sẽ hoàn thành xây dựng. Khi dự án này đưa vào khai thác, thời gian di chuyển từ TP.HCM, Đồng Nai đi các tỉnh Nam Trung bộ sẽ rút ngắn một nửa so với hiện nay. Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây khi đưa vào khai thác cũng sẽ giúp giảm tải cho quốc lộ 1; đồng thời, tạo ra trục giao thông liền mạch từ TP.HCM đến tỉnh Bình Thuận, giúp lưu thông hàng hóa giữa các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp trong vùng Đông Nam bộ với khu vực Nam Trung bộ thuận lợi hơn.

Tương tự, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành khi hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2024 cũng sẽ tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, cũng như vùng Đông Nam bộ nói riêng. Dự án sẽ khai thác thế mạnh trên các lĩnh vực kinh tế như: công nghiệp, du lịch, khu đô thị của các tỉnh, thành nơi dự án đi qua. Bên cạnh đó, dự án cũng đóng vai trò kết nối liên vùng Đông và Tây Nam bộ, rút ngắn hành trình, thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa từ Long An đến TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và ngược lại.

“Bức tranh” về giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ sẽ trở nên hoàn thiện và đồng bộ hơn vào năm 2025 khi các dự án hạ tầng giao thông quan trọng gồm đường vành đai 3 – TP.HCM và đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu cũng cơ bản hoàn thành xây dựng.

Nếu như đường vành đai 3 – TP.HCM sẽ đóng vai trò giảm tải áp lực giao thông cho khu vực nội đô TP.HCM, kết nối liên vùng Đông và Tây Nam bộ thì đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu cũng là dự án được kỳ vọng phá thế độc đạo của quốc lộ 51 và “giải phóng” cho cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.

Ông Kang Myongil, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, cho biết: “Nếu các tuyến đường cao tốc, vành đai 3, 4 – TP.HCM được xây dựng trong giai đoạn 2022-2025, GRDP của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tăng trưởng cao. Bởi khi có hệ thống giao thông thuận lợi, các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc, sẽ tăng đầu tư vào nhiều lĩnh vực, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển mạnh”.

* Thông đường cho “siêu” sân bay, “siêu” cảng biển

Được khởi công xây dựng vào đầu năm 2021, dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong tháng 9-2025. Vốn đã sở hữu “siêu” cảng biển Cái Mép – Thị Vải, khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 hoàn thành xây dựng, vùng Đông Nam bộ sẽ chính thức có thêm một “siêu” sân bay.

Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam Trần Doãn Mậu cho rằng, trong tương lai, sân bay Long Thành sẽ là nơi hoạt động chính của các hãng hàng không lớn của Việt Nam và chắc chắn các hãng sẽ chuyển dần hoạt động về sân bay này chứ không phải là sân bay Tân Sơn Nhất như hiện tại.

Trong khi đó, theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển quốc tế. Cùng với cảng biển Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu tạo thành hai cực quan trọng về phát triển cảng biển của Việt Nam với những lợi thế rất lớn như vừa có điều kiện tự nhiên phát triển cảng, vừa có hậu phương cảng lớn.

Trong những năm qua, khối lượng hàng hóa tăng trưởng ổn định. Riêng năm 2020, cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu có khối lượng hàng hóa đạt gần 113 triệu tấn, trong đó có hơn 7,5 triệu TEU container, chiếm 16% tổng hàng hóa cả nước và chiếm 34% tổng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam. Đã tiếp nhận thành công một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay có trọng tải 214.121 DWT, qua đó đã nâng tầm vị thế của cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu và của Việt Nam.

Chính vì vậy, đối với lĩnh vực cảng biển, hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt là cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải được đánh giá sẽ trở thành trung tâm cảng biển của vùng Đông Nam bộ trong tương lai.

Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể cho rằng, cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải và sân bay Long Thành là 2 công trình quan trọng nhất của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là những dự án sẽ tạo ra sự đột phá phát triển về kinh tế – xã hội.

Để hiện thực hóa được mục tiêu đưa sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải trở thành động lực phát triển của cả vùng Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung, việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa “siêu” sân bay và “siêu” cảng biển là yếu tố then chốt.

Với bối cảnh đó, việc các dự án hạ tầng giao thông quan trọng như: đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường vành đai 3 – TP.HCM cũng như 2 dự án đường sắt Thủ Thiêm – sân bay Long Thành và Biên Hòa – Vũng Tàu được kỳ vọng hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác trong năm 2025 sẽ tạo sự kết nối để thông đường cho sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu là dự án quan trọng tạo sự thông thoáng trong kết nối giữa 2 địa phương Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Khi có sự kết nối này, hiệu quả của sân bay và cảng biển mới được phát huy và chắc chắn sẽ tạo ra động lực để cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.

Tương tự, đường vành đai 4 – TP.HCM cũng là tuyến đường mà hiện nay 3 địa phương Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương rất “khao khát”. Bởi đây sẽ là tuyến đường phục vụ cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa từ các tỉnh Bình Phước, Bình Dương về sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.

THEO BÁO ĐỒNG NAI